top of page

Hãy chia sẻ bài viết này để giúp cho những thông điệp và chân lý đến được với nhiều người hơn!

Cảm ơn bạn đã đóng góp vào kiến tạo một xã hội mới đầy thấu cảm, an yên và yêu thương!

 

Ý nghĩa của những câu chuyện cũ

Năm bắt đầu đi học lớp 1, ngày ngày sau giờ tan lớp, tôi thường ngồi chờ ở cổng trường, chờ bố đến đón về.


Hôm đó cũng vậy, tôi ngồi dựa vào cánh cổng sắt bụi bặm, nhìn các bạn lần lượt được đón về. Cả trường chỉ còn lại 2 đứa: tôi và An. 2 đứa hồn nhiên cười nói bâng quơ trong lúc đợi bố mẹ đến đón, không sốt ruột, cũng chẳng lo lắng điều gì.


(Ồ hay thật, giờ tôi mới để ý tên đứa bạn ngồi chờ cùng tôi hôm đó! Mọi sự sắp đặt của Vũ trụ quả thật là vi tế và hoàn hảo, chỉ là con người chúng ta có quan sát được những sự trùng khớp vi diệu đó hay không!)

Từ xa, chúng tôi thấy có một chú đi khệnh khạng, dáng vẻ hơi kỳ lạ. Tôi nhớ rằng trí tò mò của trẻ thơ trong tôi khiến tôi nhìn chú chăm chăm không rời mắt. 


Rồi chú tiến lại gần, đi thẳng đến chỗ chúng tôi đang ngồi tựa vào cánh cổng trường. Tôi vẫn chăm chú quan sát chú, dù trong đầu không có suy nghĩ hay đánh giá nào. Có chăng chỉ là sự tò mò, hiếu kỳ. Chú tiến đến rất gần, và bất ngờ giơ chân lên đá thẳng vào mặt tôi một cú trời giáng. Đôi giày hầm hố chú đi khiến trán tôi u lên một cục. Tôi hoang ngang, ngỡ ngàng. Chú ấy bảo: “Nhìn cái gì? Sao mày không chào tao?!”. Lúc đó, hai đứa mới vội vàng chào lấy chào để một cách ngoan ngoãn vì sợ bị ăn thêm một phát đá. Rồi chú ấy bỏ đi.


Chú đi khuất dạng, tôi mới òa khóc trong nỗi sợ hãi và ấm ức.


Một lúc sau, khi thấy bóng dáng bố tôi trên chiếc xe đạp, tôi lại càng thêm nức nở. Tôi vẫn nhớ lúc đó nụ cười của bố mà tôi nhìn thấy từ phía xa đột ngột chuyển thành gương mặt hốt hoảng, lo lắng khi thấy tôi khóc lóc. Tôi kể không ra lời. An phụ tôi kể lại sự việc vừa xảy ra.


Bố tôi tức giận hỏi: “Nó đi đâu rồi?”. Nhưng lúc đó chú ấy đã đi mất hút.


Rồi bất ngờ, bố quay sang tức tối, quát tôi, đại loại là: “Mày ngu thế, ai bảo nhìn nó chằm chằm để nó đá cho? Mà nó đá cho còn không biết đường tránh, cứ trương mắt lên nhìn để nó đá thẳng vào mặt thế!”...


Nghe bố quát, tôi nín bặt, và ký ức tôi chỉ dừng lại ở đó, không còn nhớ những gì diễn ra tiếp theo.


Một câu chuyện không có gì đặc biệt hay to tát, nhưng không hiểu sao ký ức đó cứ thỉnh thoảng lại hiện lên trong suy nghĩ của tôi suốt hơn 20 năm sau đó…


Các nhà phân tích tâm lý đương đại sẽ nói rằng ‘đứa trẻ trong tôi bị tổn thương’. Họ sẽ phân tích rằng sự việc đó là một trong số những sự tổn thương ngày bé, khiến tôi cảm thấy bị hiểu nhầm, không được quan tâm, yêu thương, bao bọc, nên đứa trẻ trong tôi vẫn luôn khắc khoải thèm khát yêu thương, và vẫn mang theo trong mình những mô típ của nỗi sợ, rồi dần trở thành mất niềm tin, thu mình lại và mất kết nối với cha mẹ mình. Và rằng tôi cần tự vỗ về, yêu thương chính đứa trẻ bên trong của mình để được ‘chữa lành’.


Tôi tin rằng, ai trong số chúng ta cũng từng có những ‘tổn thương’ thời thơ ấu. Và chắc chắn rằng, có vô số những câu chuyện, những nỗi đau và tổn thương ‘to tát’ hơn nhiều so với câu chuyện tôi vừa kể.


Nhưng tôi cảm thấy sự lý giải của những nhà ‘chữa lành’ hay phân tích tâm lý  chưa thực sự đủ và chưa thực sự đúng!


Nếu một trải nghiệm diễn ra chỉ để làm tổn thương một người, và để người đó tiếp tục cảm thấy mình là một nạn nhân, một đứa trẻ không may khi nghĩ về những sự việc trong quá khứ; rồi tiếp tục đổ lỗi rằng những người ‘đã từng làm tổn thương’ mình là nguyên nhân khiến cho mình trở thành một con người ‘khiếm khuyết’ mang trong mình nhiều nỗi sợ, luôn thiếu tự tin, và thiếu niềm tin ở bản thân/ ở cuộc đời, … rồi lại tự vỗ về, ôm ấp, động viên, khích lệ mình rằng: ‘mình tốt, mình giỏi, mình đáng được yêu thương..’; tôi cảm thấy đó chỉ là một sự huyễn hoặc và nhầm tưởng!


Tôi không chấp nhận sự lý giải đó! Vì cách lý giải, cách hiểu, cách nhìn nhận đó không thực sự đem lại cảm giác trọn vẹn, bình yên, ‘chữa lành’, mà cái ‘con người nhỏ bé, thiếu tự tin, thiếu tình yêu thương, luôn cảm thấy cô độc, buồn tủi, bị tổn thương’ đó vẫn cứ mãi như vậy, không hề lớn lên!

Vì vậy mà, mỗi lần một ký ức thường xuyên xuất hiện, dù không thiếu những kiến thức ‘chữa lành’ hay tâm lý học hiện đại, tôi vẫn cứ tiếp tục đào sâu tự hỏi: Vì sao ký ức này lại xuất hiện? Có điều gì ẩn chứa trong đó mà mình vẫn chưa nhìn được ra?

Một chiều đông buốt giá năm 2019, khi lang thang tản bộ, nhặt từng chiếc lá khô trong công viên sau nhà, tôi chợt nhớ hôm đó là sinh nhật bố tôi. Và ký ức về câu chuyện mà tôi vừa kể trên lại xuất hiện…


Và ngày hôm đó, tôi tìm được câu trả lời. Tôi nhìn ra một điều thật rõ ràng mà ẩn khuất trong câu chuyện đó mà suốt hơn 2 thập kỷ tôi chưa từng nhận ra: 


Bố quát tôi, trách móc/ mắng mỏ tôi, khiến tôi hoang mang về chính mình… là vì Bố lúc đó rất thương, rất xót cô con gái bé nhỏ của mình, nhưng không biết cách thể hiện và bộc lộ tình yêu/ tình thương đó một cách trực diện, giản đơn

Tình cảm yêu thương/ lo lắng, trộn lẫn với cảm xúc tức giận nhưng bất lực, bế tắc vì không thể làm được gì hơn, không thay đổi được sự việc, cũng không tóm được kẻ đá sưng mặt con mình, tạo nên một cảm giác rất bí bức, rất khó chịu trong nội tâm và thân thể. Cảm giác đó khi lên đến cao trào sẽ tự nó vỡ òa thành những phản ứng, lời nói, hành động, thái độ… dễ gây hoang mang, hiểu lầm cho người đối diện và người xung quanh.


Tôi thấy rất thương bố. 

Tôi khóc vì thương bố.

Tôi thấy biết ơn bố. 


Tôi thấy tình cảm của bố con tôi hóa ra vốn đã thật sâu đậm. 


Nếu không vì yêu con, thương con, bố sẽ chẳng phải trải qua cảm giác khó chịu, bức bối, mâu thuẫn nội tâm đó.


Nếu không vì yêu bố, con có lẽ cũng chẳng bao giờ để tâm đến những ký ức mà trong đó con còn hiểu nhầm bố. 


***

Trong sâu thẳm, mỗi chúng ta luôn biết điều gì là đúng, là chân thực. Lương tâm không cho phép ta nhìn nhận sự việc một cách tiêu cực, sai lệch. Vì thế mà tiềm thức ta thường xuyên gợi nhắc đến những ký ức chưa được hiểu thấu và nhìn nhận một cách đúng đắn.


Ta có thể đơn thuần cho rằng, đó chỉ là những ký ức vẩn vơ, vô nghĩa, và gạt nó đi mỗi khi nó xuất hiện, hay để tâm quán sát, nhìn sâu vào nó để rút ra những bài học ý nghĩa giúp ta chuyển hóa và tiến hóa. Không ai bắt ta phải chọn cách này hay cách khác. Tự tiếng gọi trong mỗi người dẫn người đó đến với cách thức phù hợp với chính mình! Chỉ là:


Khi ta nhận ra những bài học ẩn náu trong những ký ức tưởng như không quan trọng, từ một ký ức buồn/ một ký ức vô nghĩa, nó trở thành một ký ức đẹp, một câu chuyện đầy ý nghĩa, cho chính mình, và cho mọi người!.




 
 
 

1 commento


Cảm ơn chị vì bài học ý nghĩa.

Cách hiểu và giải thích của chị đã xuyên qua được cách hiểu thông thường mà nhiều người vẫn tin và kiến thức về chữa lành hay nói đến.

Cảm ơn chị.

Mi piace

© 2022 by Hành trình An yên

  • Facebook Social Icon
  • YouTube
  • Instagram
bottom of page